0977.207.122

khi cfo dam nhan vai tro cua coo

Khi CFO đảm nhận vai trò của COO

Môi trường kinh doanh phức tạp hiện nay đã buộc nhiều doanh nghiệp xem xét lại vai trò truyền thống của các vị trí quản lý chủ chốt. Trong một số trường hợp, vị trí CFO (Giám đốc tài chính) và COO (Giám đốc vận hành) được hợp nhất. Vì sao lại có xu hướng này và ảnh hưởng của nó đến doanh nghiệp như thế nào?

Là CFO của Tập đoàn McDonald’s từ năm 2008, ông Peter J. Bensen đã đảm nhận luôn cả trách nhiệm của COO sau khi Tim Fenton nghỉ hưu vào năm 2014. Ông đã cống hiến gần 20 năm cho công ty và trở thành một trong những quản trị viên hàng đầu tại McDonald’s trước khi nghỉ hưu vào năm 2016.

Bà Brenda Hargett, COO của Viện phẫu thuật Tai mũi họng Hoa Kỳ (AAO-HNS) từ năm 2010 đến năm 2015, sau đó cũng được bổ nhiệm làm CFO ở đây và đã giúp viện tiết kiệm được hàng triệu USD. Bà đã tận dụng kinh nghiệm của mình trong cả hai lĩnh vực tài chính và điều hành để tái cấu trúc hệ thống và nâng cao hiệu quả chung.

Năm 2014, tập đoàn Tiffany & Co tuyên bố rằng sau khi CFO-COO James Fernandez nghỉ hưu, công ty sẽ không giữ lại vị trí COO, và CFO sẽ nhận luôn nhiệm vụ của COO. Bà Susan W. Medick, CFO-COO của Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Aftermarket, đã miêu tả vai trò của CFO-COO như là một đối tác rất quan trọng đối với CEO của công ty.

Kỷ nguyên công nghệ

Kinh doanh trong kỷ nguyên công nghệ đòi hỏi việc ra quyết định dựa trên số liệu thay vì chỉ nhờ vào trực giác. Các CFO được kỳ vọng sẽ giúp dùng công nghệ và khả năng xử lý số liệu của mình để giúp bộ phận khác cũng như cả doanh nghiệp nói chung đưa ra các quyết định chuẩn xác hơn.

Ngày nay, nếu giám đốc tài chính (CFO) muốn phát triển sự nghiệp của mình thì không thể chỉ làm những việc liên quan đến số liệu tài chính. Họ cần phải có kỹ năng điều hành để đảm bảo hoạt động ổn định cho công ty của mình, cũng là đòi hỏi của một COO.

Thêm vào đó, cùng với tốc độ phát triển về kinh doanh hiện nay, nhu cầu đồng thời nắm bắt tình trạng dòng tiền và tình hình hoạt động của tổ chức đang gia tăng. Điều này đồng nghĩa với sự ra đời của một vị trí mà có thể truy cập vào nguồn thông tin nội bộ về cả tài chính và điều hành, cụ thể là CFO-COO.

CFO & COO

Khi một doanh nghiệp phát triển đến một quy mô nhất định, công việc của tất cả các phòng ban sẽ có mối tương quan với nhau, ở những mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình hình của mỗi công ty. Sẽ không còn sự phân chia rõ ràng giữa các vị trí trong nhóm C-suite (nhóm quản trị cấp cao), thay vào đó, các nhà quản trị trong nhóm này sẽ phải chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành trách nhiệm của mình.

Do đó, nếu chỉ có những kỹ năng cho một vị trí duy nhất, sẽ rất khó để phối hợp với những người khác và bắt kịp guồng quay công việc. Hơn nữa, chúng ta rất dễ nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa tình hình tài chính và các tác vụ kinh doanh của một doanh nghiệp, cũng là lý do tại sao CFO và COO là hai vị trí có khả năng dung hợp cao.

Vị trí CFO-COO được kỳ vọng sẽ có thể đưa ra các quyết định thông minh hơn liên quan đến các quy trình tổng thể như các quy trình xử lý đơn hàng quote-to-cash, order-to-cash, hay quy trình phát triển và giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường.

Như đã đề cập trước đó, vị trí CFO-COO cho phép các quản lý có được thông tin chi tiết từ cả hai bộ phận, từ đó giảm thiểu sự không nhất quán và tiết kiệm thời gian trong quá trình quản lý.

Vai trò của CFO và COO

Một vai trò khác của CFO-COO là tiết kiệm chi phí. Bằng cách hợp nhất CFO và COO, công ty có thể cắt giảm rất nhiều chi phí, về cả logistics và điều hành hoạt động, ví dụ như giảm thủ tục hành chính rườm rà, số lượng nhân viên không cần thiết, ngăn sự thiếu sót và loại các kế hoạch không hiệu quả. Bớt những khoản phí này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn đơn giản hóa và cải thiện hiệu quả kinh doanh cho công ty.

Vẫn còn sớm để kết luận liệu việc kết hợp vai trò của CFO và COO có trở nên một xu thế phổ biến hay không. Nhưng nó là một dấu hiệu nữa cho thấy vai trò của CFO đã thay đổi sâu sắc trong những năm gần đây.

Đánh giá post
Scroll to Top